11/06

2023

MỌC

LẶN

ĐĨA MẶT TRĂNG

  • 18%

,

2.000 ngày trên Sao Hỏa của tàu tự hành Curiosity

Đọc

27 phút

Theo

Tàu tự hành Curiosity đã chụp và gửi về 468.926 hình ảnh, ghi lại cuộc hành trình suốt những năm qua ở Sao Hỏa.

Đã hơn 2.000 ngày kể từ khi tàu thăm dò Curiosity đổ bộ lên bề mặt Sao Hỏa. Trong những tháng ngày rong ruổi trên hành tinh đỏ, nó đã thực hiện vô số những khám phá với tất cả các dụng cụ khoa học được trang bị như khoan, laser, và tổ hợp máy ảnh đã chụp và gửi về Trái Đất 468.926 hình ảnh.

Tàu Curiosity chụp ảnh selfie trên Sao Hỏa. Hình ảnh được thực hiện vào ngày 23 tháng 1 năm 2018, nhằm sol 1943 (sol là ngày Sao Hỏa, một sol bằng 24 giờ 39 phút 35 giây, số sol ở đây được bắt đầu tính từ khi tàu Curiosity đổ bộ lên Sao Hỏa), bằng thiết bị chụp ảnh Mars Hand Lens Imager. Hình ảnh này được ghép lại từ những ảnh chụp đơn vì góc của máy ảnh không đủ lớn để chụp được toàn cảnh như vậy. Bầu trời đã được xử lý hậu kỳ. Hình ảnh: JPL-Caltech/MSSS/NASA.
Những gợn cát ở hai đồi cát với kích thước khác nhau xuất hiện trong cùng một góc ảnh khi đứng chụp từ đỉnh của một đồi cát. Những đồi cát và gợn cát gây ra bởi gió như vậy cũng xuất hiện trên Trái Đất. Nhưng những gợn cát lớn có thể kéo dài đến 3 mét thì chưa từng nhìn thấy ở địa cầu và ta công nhận đó là một loại gợn cát đặc trưng chỉ có ở Sao Hỏa. Máy ảnh gắn ở đỉnh đầu của tàu (mastcam) Curiosity chụp nhiều hình ảnh về khu vực này vào ngày 13 tháng 12 năm 2015, nhằm sol 1192. Địa điểm này là một phần của Đồi cát Namib thuộc Vùng đồi cát Bagnold lớn hơn, chúng tạo thành một dải tối màu chạy dọc theo sườn phía tây bắc của Núi Sharp. Hình ảnh: JPL-Caltech/MSSS/NASA.
Hình ảnh này được chụp bởi tàu Curiosity vào ngày 26 tháng 3 năm 2017, nhằm sol 1648. Hình ảnh: JPL-Caltech/MSSS/NASA.
Curiosity nghỉ chân tại một địa điểm mà tiếp sau đó nó sẽ khoan xuống mục tiêu thăm dò là một hòn đá được gọi là “Buckskin” ở chân núi Sharp. Hình ảnh selfie góc rộng này được chụp vào ngày 5 tháng 8 năm 2015, nhằm sol 1065 và được công bố ở Trái Đất vào ngày 19 tháng 8 cùng năm. Hình ảnh này được ghép lại từ các hình ảnh đơn được chụp bởi thiết bị Mars Hand Lens Imager (MAHLI). Hình ảnh: JPL-Caltech/MSSS/NASA.
Tàu Curiosity chụp lại cảnh tượng hoàng hôn vào cuối sol 956, nhằm ngày 15 tháng 4 năm 2015 của Trái Đất, từ một địa điểm thuộc Hố va chạm Gale trên Sao Hỏa. Hình ảnh: JPL-Caltech/MSSS/NASA.
Vào ngày 9 tháng 9 năm 2012 khi con tàu chuẩn bị cho một ngày làm việc mới, nó đã chụp lại hình ảnh cận cảnh vào hai bánh xe trái của mình. Trong hình ở phía xa, là đoạn dốc thoải của Núi Sharp. Hình ảnh: JPL-Caltech/MSSS/NASA.
Một năm sau đó, vào ngày 18 tháng 4 năm 2016 nhằm sol 1315, NASA cho sử dụng thiết bị MAHLI để chụp ảnh và kiểm tra lại hiện trạng của hai bánh xe một lần nữa. Hai bánh xe trong hình ảnh này bánh xe bên trái ở giữa và bên trái phía sau. Trên bánh xe xuất hiện những chỗ rách nghiêm trọng vào năm 2013 sau khi tàu tự hành Curiosity băng qua địa hình đá cứng và gồ ghề vào năm 2012, đó là đường đi đã vạch sẵn của nó xuất phát từ địa điểm hạ cánh ở chân núi Sharp. Các nhà khoa học sau đó tiến hành theo dõi chặt chẽ cho đến khi những đường zig zag trên bánh xe bị hư hỏng và gãy vỡ. Các bài thử nghiệm sức bền của các bánh xe trên Trái Đất cũng cho thấy rằng nếu 3 đường zig zag đó bị gãy vỡ, thì bánh xe đó sẽ bị hỏng hoàn toàn, lúc đó nó đã đi được 60% quãng đường theo kế hoạch. Sáu chiếc bánh xe nhám của Curiosity có đường kính 50 cm và bề rộng là 40 cm. Mỗi bánh xe đều được gắn những động cơ riêng cũng như bốn bánh xe ở góc được gắn động cơ dẫn động. Hình ảnh: JPL-Caltech/MSSS/NASA.
Tàu Curiosity sử dụng mastcam để nhìn lại chặng đường hơn 100 mét đã đi qua vào sol 548 (ngày 19 tháng 2 năm 2014). Những dãy đá ở bên phải đường bánh xe là một bãi đá lộ thiên được gọi là “Junda”, chúng tạo thành những họa tiết thú vị trên mặt đất và được nhìn thấy từ các hình ảnh chụp bởi những tàu vũ trụ bay trên quỹ đạo Sao Hỏa. Để dễ cho bạn hình dung, khoảng cách giữa hai đường bánh xe trong ảnh này là 2,7 mét. Hình ảnh: JPL-Caltech/MSSS/NASA.
Khung cảnh này từ đôi mắt của tàu tự hành Curiosity được chụp khi nó đứng bên dưới Đồi cát Namib cao 4 mét. Khu vực này là một phần của Đồi cát Dunes lớn hơn, tạo thành một dải cát tối màu chạy dọc theo sườn phía tây bắc của Núi Sharp. Hình ảnh này cũng được ghép lại từ những hình ảnh nhỏ hơn để tạo ra ảnh toàn cảnh góc rộng, được chụp vào ngày 17 tháng 12 năm 2015, nhằm sol 1196. Hình ảnh: JPL-Caltech/MSSS/NASA.
Một vật thể tối màu và trơn láng được tìm thấy vào ngày 30 tháng 10 năm 2016, thiết bị chụp ảnh và phân tích của tàu Curiosity đã kiểm tra bằng laser và xác nhận nó là một hòn đá được tạo nên từ sắt và niken và có nguồn gốc từ không gian. Những đốm sáng trên bề mặt vật thể chính là ánh sáng tia laser phát ra từ thiết bị Chemistry and Camera (ChemCam). Hòn đá này có kích thước tương đương một trái banh golf. Những thiên thạch bay vào Trái Đất phần lớn được cấu tạo từ sắt-niken, chúng rất phổ biến ở Trái Đất và những phát hiện này cho thấy chúng cũng xuất hiện trên Sao Hỏa, nhưng hòn thiên thạch này lần đầu tiên được kiểm tra quang phổ bằng tia laser. Hình ảnh này đã được xử lý cân bằng trắng để thấy được nếu mặt đất và tảng đá xuất hiện trong ánh sáng ban ngày sẽ trông như thế nào. Hình ảnh: JPL-Caltech/MSSS/NASA.
Hình này này được chụp từ Mastcam cho thấy một sườn đồi với các tầng đá ở khu vực Đồi Murray, gần chân núi Sharp. Ngọn đồi này không thoải dài như bình thường nhưng mang dấu vết của sự xói mòn của sa thạch cổ khi những cơn gió mạnh thổi qua vùng này. Tàu Curiosity đã đến đây để thăm dò ở khoảng cách gần nhất vào nửa đầu năm 2016. Để đến được đây, con tàu phải đi qua khu vực Cao nguyên Naukluft thuộc vùng Murray này. Gió làm sa thạch xếp lớp trong hình này cũng giống như cách nó tạo hình dạng cho những đồi cát. Hình ảnh được chụp vào ngày 8 tháng 9 năm 2016, tức nhằm sol 1454. Hình ảnh: JPL-Caltech/MSSS/NASA.
Hai vệ tinh tự nhiên của Sao Hỏa xuất hiện trong cùng một hình ảnh được chụp bởi tàu Curiosity, vật thể lớn hơn là vệ tinh Phobos, đang di chuyển phía trước vật thể có kích thước biểu kiến nhỏ hơn là Deimos, vào ngày 1 tháng 8 năm 2013. Tàu tự hành đã dùng máy ảnh có gắn ống kính phóng to của Mastcam để chụp loạt ảnh về sự che khuất của Deimos bởi Phobos trên bầu trời Sao Hỏa. Bằng việc chụp nhiều hình ảnh, các nhà khoa học mặt đất có thể xử lý và trích xuất ra được nhiều thông tin về những đặc điểm dù là rất nhỏ của hai vệ tinh này. Phần lõm ở cạnh trên của Phobos là Hố va chạm Stickney, đó là khu vực bán cầu bắc của mặt trăng này. Hố va chạm Hall ở bán cầu nam của Phobos, dễ dàng thấy được ở cạnh trái bên dưới. Hình ảnh: JPL-Caltech/Malin Space Science Systems/Texas A&M University/NASA.
Đây là hình ảnh được chụp từ trên cao. Được thực hiện vào ngày 8 tháng 4 năm 2015 bởi Tàu Thăm dò Quỹ đạo Sao Hỏa (Mars Reconnaissance Orbiter, hay MRO) của NASA, trong ảnh bạn có thể bắt gặp tàu Curiosity đang đi qua một thung lũng được gọi là Artist’s Drive ở vùng chân núi Sharp. Đây là sol thứ 949 của Curiosity và nó đã đi được 23 mét trong ngày này. Hướng bắc địa lý nằm ở phía cạnh trên của ảnh, bóng của tàu đổ về hướng đông. Hình ảnh: JPL-Caltech/Univ. of Arizona/NASA.
Vùng đồi tối màu này được gọi là Đồi Ireson, cao khoảng 5 mét so với lớp đá đỏ bề mặt bên dưới thuộc hệ thống Đồi Murray ở vùng chân của Núi Sharp. Nơi này gần với địa điểm mà tàu Curiosity của NASA gần đây đã ghé lại để nghiên cứu một cồn cát nhỏ vào ngày 2 tháng 2 năm 2017, tức là sol 1598. Ở xa xa, bạn có thể thấy được một phần của rặng núi bao xung quanh Hố va chạm Gale. Hình ảnh: JPL-Caltech/MSSS/NASA.
Hai hình ảnh chụp cùng một đồng xu penny có tuổi đời hơn thế kỷ trên Sao Hỏa. Đồng penny này được sử dụng cho mục đích hiệu chỉnh những máy ảnh được gắn trên tàu Curiosity. Máy ảnh MAHLI của tàu đã chụp hình ảnh này vào sol 34, tức là ngày 9 tháng 9 năm 2012 trên địa cầu. “Khi bạn chụp ảnh một vật gì đó bất kỳ, cách đơn giản để hình dung được kích thước của vật đó là đưa một vật thể khác đã biết rõ kích cỡ để có thể so sánh tỷ lệ giữa hai vật. Đồng xu này cũng đóng vai trò trong việc ước lượng kích thước khi tàu bắt gặp những vật thể lạ trên đường đi,” nhà địa chất học Ken Edgett ở bộ phận MAHLI, đến từ Trung tâm Khoa học Không gian Malin thuộc thành phố San Diego, cho biết.
Đồng xu penny này được chính Edgett xuất tiền túi ra mua và trang bị cho tàu Curiosity. Nó là đồng cent VDB loại năm 1909 in hình cố Tổng thống Abraham Lincoln được phát hành giới hạn nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. VDB là chữ viết tắt của Victor David Brenner, một nhà thiết kế đồng xu nổi tiếng của Hoa Kỳ. Việc sử dụng đồng xu để ước lượng kích thước dựa trên tỷ lệ của chúng được sử dụng thường xuyên trong ngành địa chất.
Edgett cho biết thêm: “Bất cứ người dân Mỹ nào cũng biết được đồng xu có kích thước ra sao, nên việc đặt chúng cạnh những vật thể được khám phá trên Sao Hỏa sẽ giúp dễ hình dung được kích thước của vật. Ngoài ra, đem đồng xu lên hành tinh đỏ cũng giúp chúng ta biết được về sự thay đổi của nó trong một môi trường khác, như đồng xu có thay đổi màu sắc hay không, liệu nó có bị bào mòn hay không?” Hình ảnh bên phải là đồng xu của Edgett được chụp vào ngày 2 tháng 12 năm 2017, tức sol 1892, cho thấy dường như không có sự ăn mòn, chỉ có một lớp bụi nhỏ bám lên trên. Hình ảnh: JPL/NASA.
Hình ảnh này thấy rõ vết hằn bánh xe của tàu Curiosity được in dấu trên lớp cát khi nó chạy qua một vùng trũng có tên gọi là Thung lũng Hidden trên đường tiến tới Núi Sharp. Hình ảnh này được chụp vào ngày Sao Hỏa thứ 709, tức ở Trái Đất là ngày 4 tháng 8 năm 2014. Hình ảnh: JPL-Caltech/NASA.
Một vị trí đẹp từ chỏm núi Vera Rubin cho tàu Curiosity phóng tầm nhìn chi tiết về nơi mà nó sẽ bắt đầu nhiệm vụ khám phá bên trong Hố va chạm Gale. Trước mặt là hướng bắc-đông-bắc, hình ảnh được ghép lại từ 8 hình ảnh chụp đơn được chụp bởi máy ảnh gắn ống kính phóng to được trang bị trong con mắt phải của tàu. Hình ảnh này được thực hiện vào ngày 25 tháng 10 năm 2017, nhằm sol 1856. Vào lúc này, Curiosity đang đứng ở cao độ 327 mét và đã đi xa được 17,63 cây số tính từ nơi nó đổ bộ xuống hành tinh này. Hình ảnh: JPL-Caltech/MSSS/NASA.
Hình ảnh tự chụp của tàu Curiosity cho thấy toàn bộ cỗ máy tự hành đang đứng trước Đồi cát Namib, nơi mà con tàu chăm chỉ sẽ đào bới và khai thác mẫu cát để phân tích. Hình ảnh được chụp vào ngày 19 tháng 1 năm 2016, nhằm vào sol 1228. Hình ảnh: JPL-Caltech/MSSS/NASA.
Ngoài cồn cát tối màu đang nằm gần với con tàu, bạn còn có thể thấy được một ‘con quái vật’ chuyển động ở phía xa đường chân trời. Máy ảnh trên Curiosity đã chụp được loạt ảnh này vào ngày 4 tháng 2 năm 2017, tức sol 1599, vào mùa hè của Sao Hỏa. Thả tầm mắt về hướng nam-tây-nam, vùng ảnh chuyển động được đóng khung hình chữ nhật diễn ra trong thời gian vài phút. Hình ảnh đã được tăng độ tương phản để thấy rõ tiền cảnh và hậu cảnh. Cứ mỗi cặp hình ảnh chụp cách nhau 12 giây và cách nhau 90 giây thì lại chụp một cặp ảnh nữa, để ghép lại rồi tạo ra hình ảnh chuyển động này. Trên Sao Hỏa cũng như trên Trái Đất, những gì đang diễn ra trong ảnh là những cơn lốc được tạo thành do Mặt Trời làm không khí nóng lên, không khí bốc lên cao khiến bụi bẩn bị kéo theo vào không trung. Quan sát những cơn gió lốc như thế này trên Sao Hỏa giúp chúng ta có được thông tin về hướng gió và tương tác giữa bề mặt với khí quyển của hành tinh đỏ. Hình ảnh: NASA/JPL-Caltech/TAMU.
Thiết bị chụp ảnh Mars Hand Lens Imager được gắn ở cánh tay robot của tàu Curiosity sử dụng đèn pin để chiếu sáng mặt đất vào ban đêm, cho thấy những hạt cát trên bề mặt Sao Hỏa được tàu tự hành sàng lọc và phân tích. Kích thước của hình ảnh này trong thực địa chỉ 2,8 cm chiều dài và 2,1 cm chiều rộng. Các hạt cát này quá lớn để lọt vào lưới của tấm sàng (150 micron so với 0,006 inch). Chúng là muỗng cát đầu tiên mà tàu Curiosity múc lên từ Đồi cát Namib. Một phần nhỏ của số cát này đủ nhỏ để sàng lọc và đưa vào thiết bị phân tích được trang bị sẵn trong tàu. Hình ảnh này được ghép lại từ nhiều ảnh đơn để làm rõ các chi tiết, được chụp vào ngày 22 tháng 1 năm 2016, sau khi màn đêm vừa buông xuống của sol 1230. Hình ảnh: JPL-Caltech/MSSS/NASA.
Khung cảnh hùng vĩ này là vùng cao hơn của Núi Sharp được chụp vào ngày 9 tháng 9 năm 2015 bởi tàu Curiosity của NASA. Ở tiền cảnh, cách 3 km so với vị trí của tàu, là một dãy núi đầy ắp hematite, hay oxid sắt. Ra xa hơn một chút, là khu vực giàu có khoáng chất sét. Những ngọn đồi với phần chóp tròn ở xa hơn, chứa nhiều khoáng chất sulfat. Sự thay đổi khoáng vật đa dạng ở Núi Sharp cho thấy sự thay đổi môi trường rõ rệt trong Sao Hỏa từ những ngày đầu tiên khi hành tinh vừa được tạo thành, các nhà khoa học cho rằng chúng có liên quan đến sự tiếp xúc ở các với mức độ khác nhau với nước ở từng khu vực khác nhau vào hàng tỷ năm trước. Ở xa nhất, là những vách đá có thể được hình thành khi Sao Hỏa đã khô cạn, hiện đang bị xói mòn nghiêm trọng bởi gió thổi mạnh. Màu sắc trong ảnh này đã được chỉnh sửa sao cho giống với màu sắc của từng loại khoáng sản tương ứng khi nhìn thấy ở Trái Đất, giúp các nhà địa chất xác định được từng loại đá dễ dàng. Việc cân bằng trắng hình ảnh khiến bầu trời Sao Hỏa thường có màu xanh hoặc đôi khi là màu xám, màu đen. Hình ảnh: JPL-Caltech/MSSS/NASA.
Tàu Curiosity quay lưng lại và thấy bánh xe của chính mình in dấu trên những nơi đã đi qua, được chụp bởi Mastcam gắn trên tàu trong sol 538 hay ngày 9 tháng 2 năm 2014. Tàu tự hành này đã bắt đầu đi qua khu vực này vào ba ngày trước. Ngọn đồi cao khoảng một mét, ở giữa có rãnh nhỏ thấp hơn và thuận tiện để tàu băng qua, được gọi là Rãnh Dingo. Hình ảnh: JPL-Caltech/MSSS/NASA.
Một lỗ được tạo ra sau khi tàu Curiosity thực hiện khoan xuống để thu thập vật chất từ một phần của tảng đá lớn được gọi là Buckskin vào ngày 30 tháng 7 năm 2015, hay sol 1060. Đường kính của lỗ này nhỏ hơn đồng xu một chút. Bột đá được lấy ra sau khi khoan được đưa vào thiết bị phân tích tích hợp trong tàu. Việc khoan lỗ ở tảng đá Buckskin không được lên kế hoạch từ trước, tàu cũng không có kinh nghiệm để khoan lỗ ở nơi này. Vào đầu năm 2015, Curiosity phát hiện mức độ silic và hydro cao bất thường ở đây, một khu vực gần Đèo Marias ở chân núi Sharp, nên các nhà khoa học mặt đất đã thay đổi một chút trong kế hoạch để biết được chuyện gì đang xảy ra. Hình ảnh: JPL-Caltech/MSSS/NASA.
Hình ảnh góc rộng cho thấy phong cảnh bao la của Sao Hỏa, từ vị trí này có thể nhìn thấy được rất xa. Hình ảnh toàn cảnh này được ghép lại từ rất nhiều ảnh đơn được chụp vào sol 1276, tức là vào ngày 9 tháng 3 năm 2016. Hình ảnh: JPL-Caltech/MSSS/NASA.

Chủ đề

Đọc thêm

Truyền sóng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *