Andromeda

Andromeda (Tiên Nữ) là chòm sao nổi bật trên bầu trời mùa thuthiên cầu Bắc, nằm giữa mảng sao hình chữ W của chòm sao Cassiopeia (Tiên Hậu) và hình vuông lớn của chòm sao Pegasus (Phi Mã). Đây là một trong 48 chòm sao được người Hy Lạp cổ đại xác định và lần đầu tiên được liệt kê trong tác phẩm Almagest của Claudius Ptolemy vào thế kỷ 2.

Chòm sao này được đặt tên theo công chúa Andromeda trong thần thoại Hy Lạp, cô là con gái của nữ hoàng Cassiopeia và là vợ của anh hùng Perseus. Chòm sao còn các tên gọi khác như Công chúa, Thiếu nữ bị xích, Persea (vợ của Perseus), hoặc Cepheis (con gái của Cepheus).

Chòm sao Andromeda chứa nhiều thiên thể sâu nổi bật như Thiên hà Andromeda (Messier 31) nổi tiếng, hai thiên hà elip lùn Messier 32 (Le Gentil) và Messier 110. Ba ngôi sao sáng nhất trong chòm sao là Alpheratz, Mirach, và Almach tạo thành một chuỗi các ngôi sao sao nối từ hình vuông lớn của chòm sao Pegasus đến chòm sao Perseus.

Thông tin chung

Andromeda là chòm sao lớn thứ 19 trên bầu trời, chiếm diện tích 722 độ vuông. Chòm sao này nằm ở góc phần tư đầu tiên của thiên cầu Bắc (NQ1) và có thể quan sát được từ các vĩ độ trong khoảng từ +90° đến -40°. Các chòm sao láng giềng bao gồm Cassiopeia (Tiên Hậu), Lacerta (Hiết Hổ, thằn lằn), Pegasus (Phi Mã), Perseus (Anh Tiên), Pisces (Song Ngư), và Triangulum (Tam Giác).

Chòm sao Andromeda có ba ngôi sao sáng hơn cấp sao biểu kiến 3.0 và ba ngôi sao nằm trong phạm vi 10 parsec (32,6 năm ánh sáng) tính từ Trái Đất. Ngôi sao sáng nhất trong chòm sao là Alpha Andromedae hay Alpheratz. Ngôi sao gần Trái Đất nhất là Ross 248 (phân loại quang phổ M6V) hay còn gọi là HH Andromedae, nằm cách xa chúng ta chỉ 10,30 năm ánh sáng.

Chòm sao này có chín ngôi sao đã được đặt tên chính thức. Các tên ngôi sao được IAU phê chuẩn bao gồm Adhil (Xi Andromedae), Almach (Gamma Andromedae A), Alpheratz (Alpha Andromedae Aa), Buna (HD 16175), Mirach (Beta Andromedae), Nembus (51 Andromedae), Sterrennacht (HAT-P-6), Titawin (Upsilon Andromedae A), và Veritate (14 Andromedae A).

Chòm sao Andromeda có một số ngôi sao với các ngoại hành tinh đã được xác nhận. Sao Titawin hay Upsilon Andromedae (phân loại quang phổ F8V) có bốn hành tinh trong quỹ đạo. Hệ sao ba Kappa Andromedae (B9IVn) có một ngoại hành tinh được xác nhận, có khối lượng gấp khoảng 13 lần Sao Mộc, được phát hiện lần đầu vào tháng 11 năm 2012. 14 Andromedae còn gọi là Veritate (K0III) là một sao biến thiên chưa xác định, có một ngoại hành tinh được phát hiện vào năm 2008.

Sao HD 5608 (K0IV) có một hành tinh có chuyển động vượt qua. HD 8673 (F7 V) có một á sao cùng hệ sao được phát hiện năm 2005, có thể là sao lùn nâu hoặc hành tinh. V428 Andromedae (HD 3346, phân loại quang phổ K5III) có hai ngoại hành tinh chưa xác định được phát hiện vào năm 1996. Các ngôi sao khác có hành tinh đã được biết đến bao gồm HD 222155 (G2V), HD 16175 (F8 IV), HD 1605 (K1IV, hai ngoại hành tinh), HD 13931 (G0), HD 5583 (K0), HD 15082 (kA5 hA8 mF4), HAT-P-6 (F), HAT-P-16 (F8), HAT-P-32 (F/G), WASP-1 (F7V), Kepler-63, HAT-P-19 (K), HAT-P-28 (G3) và HAT-P-53.

Andromeda thuộc gia đình chòm sao Perseus cùng với các chòm sao khác như Auriga (Ngự Phu), Cassiopeia (Tiên Hậu), Cepheus (Tiên Vương), Cetus (Kình Ngư), Lacerta (Hiết Hổ), Pegasus (Phi Mã), Perseus (Anh Tiên), và Triangulum (Tam Giác). Chòm sao này chứa ba thiên thể Messier gồm Messier 31 (Thiên hà Andromeda), Messier 32, và Messier 110.

Chòm sao Andromeda gắn liền với mưa sao băng Andromedids (còn gọi là Bielids), lần đầu được ghi nhận vào ngày 6 tháng 12 năm 1741 tại Nga. Mưa sao băng này đã yếu dần từ khi được phát hiện nhưng vẫn có thể quan sát một phần vào giữa tháng 11. Thiên thể gốc của mưa sao băng Andromedids là sao chổi Biela (3D/Biela), một sao chổi theo chu kỳ được ghi nhận lần đầu vào năm 1772.

Thần thoại

Trong thần thoại Hy Lạp, Andromeda là con gái của vua Cepheus xứ Ethiopia và nữ hoàng Cassiopeia. Nữ hoàng đã xúc phạm các Nereid (nữ thần biển) khi tuyên bố rằng bà đẹp hơn họ.

Các nữ thần đã nói lại chuyện này với thần biển Poseidon. Ông sai quái vật biển Cetus đến để làm ngập và phá hủy đất đai của Cepheus, xem như một hình phạt cho sự kiêu ngạo của vợ ông.

Vua Cepheus phải đến đền của oracle (tiên tri) tên là Ammon để xin lời chỉ dạy. Ông được chỉ rằng cách duy nhất để làm vừa lòng các vị thần là hy sinh con gái mình cho Cetus.

Sau đó, Andromeda bị trói xích trên một tảng đá. Cô đã có thể bị quái vật ăn thịt nếu như anh hùng Perseus không xuất hiện và giải cứu. Về sau, hai người kết hôn và có với nhau sáu người con, trong đó có Gorgophonte – cha của Tyndareus, vua xứ Sparta, và Perses – tổ tiên người Ba Tư.

Trong câu chuyện, chính nữ thần Athena đã tưởng nhớ công chúa Andromeda bằng cách đặt hình ảnh của cô giữa các vì sao, gần bên các chòm sao tượng trưng cho chồng cô là Perseus và mẹ cô là Cassiopeia.

Sao

Alpheratz (Alpha Andromedae)

Ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Andromeda là Alpheratz hay còn gọi là Alpha Andromedae. Ngôi sao này đôi khi còn được biết đến với tên gọi Sirrah. Ngôi sao này nằm cách Trái Đất 97 năm ánh sáng.

Alpheratz là một hệ sao đôi với độ sáng biểu kiến +2,06. Đây là sao xanh nóng thuộc lớp cận khổng lồ B8. Ngôi sao sáng hơn trong hệ sao đôi này có thành phần hóa học đặc biệt với mức độ thủy ngân, mangan, và các nguyên tố khác cao bất thường. Alpheratz là ngôi sao thủy ngân-mangan sáng nhất từng được biết đến với độ sáng gấp 200 lần Mặt Trời. Khối lượng của nó khoảng 3,6 lần khối lượng Mặt Trời và nhiệt độ bề mặt khoảng 13.800 K. Ngôi sao đồng hành cũng có khối lượng lớn hơn Mặt Trời và có độ sáng gấp 10 lần Mặt Trời. Hai ngôi sao này chuyển động quanh nhau với chu kỳ 96,7 ngày.

Alpheratz từng được coi là một phần của chòm sao Pegasus (Phi Mã). Ngoài tên gọi Alpha Andromedae, ngôi sao này cũng còn mang tên Delta Pegasi. Cả hai tên gọi truyền thống của nó là Alpheratz và Sirrah đều bắt nguồn từ cụm từ tiếng Ả Rập al surrat al-faras, có nghĩa là rốn của con ngựa mà con ngựa ở đây là Pegasus. Các nhà thiên văn học Ả Rập cũng gọi ngôi sao này là al ras al mar’ah al musalsalah, có nghĩa là đầu của thiếu nữ bị xiềng.

Alpheratz là ngôi sao ở hướng Đông Bắc trong hình vuông lớn của chòm sao Pegasus. Ba ngôi sao còn lại tạo thành hình vuông là Alpha, Beta, và Gamma Pegasi (tên gọi lần lượt là Markab, Scheat, và Algenib). Alpheratz nối kết chòm sao Andromeda với Pegasus, đây là con ngựa mà anh hùng Perseus đã cưỡi đến để giải cứu Andromeda.

Mirach (Beta Andromedae)

Sao Mirach hay Beta Andromedae có độ sáng biểu kiến tương tự như Alpheratz, dao động từ +2,01 đến +2,10. Ngôi sao này được phân loại là một biến sao bán đều chưa xác định.

Mirach là một sao khổng lồ đỏ lạnh lớp M, nằm cách Trái Đất khoảng 200 năm ánh sáng. Ngôi sao này có độ sáng gấp 1.900 lần Mặt Trời và khối lượng lớn hơn Mặt Trời từ 3 đến 4 lần. Đây là một hệ sao đôi và chúng đang thực hiện quá trình hợp nhất hydro, ngôi sao còn lại trong hệ có độ sáng biểu kiến là +14.

Mirach là một phần của một nhóm sao tạo thành một hình ảnh được gọi là “thắt lưng”. Tên gọi Mirach là một dị bản sai của từ tiếng Ả Rập mizar có nghĩa là thắt lưng, chỉ vị trí của ngôi sao ở phần hông trái của Andromeda.

Mirach nằm cách NGC 404 chỉ 7 phút cung. NGC 404 có tên thường gọi là Con ma của Mirach, là một thiên hà lùn lenticular, nằm cách Trái Đất khoảng 10 triệu năm ánh sáng.