Category: Khám phá

  • Nguyệt thực toàn phần đã cứu mạng Columbus như thế nào?

    Nguyệt thực toàn phần đã cứu mạng Columbus như thế nào?

    Tranh vẽ cuộc đổ bộ của Columbus trên một hòn đảo được người bản địa gọi là Guanahani và được ông gọi là San Salvador vào ngày 12 tháng 10 năm 1492. Ông dựng cột cờ Hoàng gia Tây Ban Nha, tuyên bố sự bảo trợ của Tây Ban Nha cho vùng đất này. Những người thổ dân sợ hãi đứng quan sát từ sau những bụi cây. Tranh vẽ bởi John Vanderlyn.
    Tranh vẽ cuộc đổ bộ của Columbus trên một hòn đảo được người bản địa gọi là Guanahani và được ông gọi là San Salvador vào ngày 12 tháng 10 năm 1492. Ông dựng cột cờ Hoàng gia Tây Ban Nha, tuyên bố sự bảo trợ của Tây Ban Nha cho vùng đất này. Những người thổ dân sợ hãi đứng quan sát từ sau những bụi cây. Tranh vẽ bởi John Vanderlyn.

    Là một trong những nhà thám hiểm tiên phong, luôn có những hiểm nguy rình rập Christopher Columbus và đoàn của ông. Nhưng với sự hiểu biết về thiên văn học từ thế giới văn minh, ông không chỉ đã cứu được mạng của chính mình và đoàn thám hiểm, mà còn được đối xử tử tế khi đặt chân vào vùng đất của những thổ dân.

    Trong mười năm từ năm 1492 đến năm 1502, nhà thám hiểm Columbus đã thực hiện bốn cuộc viễn dương đến Tân Thế Giới. Các chuyến đi đầu tiên của ông khá thuận lợi, trong khi chuyến đi thứ tư đến bờ biển Trung Mỹ, ông đã gặp nhiều sự cố và một tai nạn nhớ đời, nhưng may mắn ông đã vượt qua được.

    Ngày 11 tháng 5 năm 1502, Columbus rời thành phố cảng Cádiz của Tây Ban Nha trên các con tàu Capitana, Gallega, Vizcaína và Santiago de Palos. Thật không may khi các loài côn trùng mối mọt ăn thủng gỗ trên tàu, khiến ông phải bỏ lại hai con tàu và cùng hai chiếc còn lại cập bờ biển phía bắc của một hòn đảo mà ngày nay là Jamaica vào ngày 25 tháng 6 năm 1503.

    Ban đầu khi đoàn của Columbus đến đảo, thổ dân da đỏ Arawak hoan nghênh chào đón, cho thức ăn và chỗ ở rất đầy đủ. Tuy nhiên con tàu bị mắc kẹt, thời gian trôi qua ngày càng lâu, nhiều chuyện nảy sinh khiến căng thẳng giữa hai bên tăng cao. Sau 6 tháng kẹt lại trên đảo, hơn một nửa thủy thủ đoàn trở nên hung dữ, cướp thức ăn và giết chết một số người Arawak.

    Đứng trước tình hình thiếu thốn lương thực của đoàn và căng thẳng không ngừng của người bản địa, Columbus đã nghĩ ra một kế rất khéo léo, mặc dù chính ông cũng cảm thấy không đúng đắn lắm.

    Vị cứu tinh

    ‘Vị cứu tinh’ của ông lúc bấy giờ chính là một cuốn sách thiên văn chứa thời gian chi tiết các sự kiện thiên văn diễn ra từ năm 1475 đến năm 1506, tác giả là nhà toán học và thiên văn học Johannes Müller von Königsberg người Đức, thường được gọi với cái tên Latin là Regiomontanus.

    Cuốn sách này của Regiomontanus có giá trị rất lớn bởi nó cung cấp đầy đủ thông tin chi tiết về thời gian mọc lặn của Mặt Trời, Mặt Trăng và các hành tinh, cũng như những sao và chòm sao quan trọng dùng để định hướng khi đi trên biển. Sau khi cuốn sách được xuất bản, không một thủy thủ nào dám ra khơi khi không mang theo nó bên người. Với sự giúp đỡ của nó, các nhà thám hiểm đã có thể tự tin rời khỏi các tuyến đường truyền thống mà vươn xa ra những cung đường mới.

    Dĩ nhiên Columbus cũng có cho mình một bản của cuốn sách và ông đã nhanh trí sử dụng nó vào thời điểm kẹt giữa những rắc rối trên đảo Jamaica. Ông phát hiện ra rằng Nguyệt thực toàn phần sẽ xảy ra vào tối ngày 29 tháng 2 năm 1504, và thật hay khi nguyệt thực xảy ra đúng với thời gian Mặt Trăng mọc.

    Vào ba ngày trước khi nguyệt thực xảy ra, Columbus đã yêu cầu gặp đại diện của người Arawak. Ông cảnh báo rằng, Thượng Đế của ông đã rất giận dữ khi người dân trên đảo không cấp thức ăn cho người của ông nữa. Để chứng tỏ lời ông nói là đúng, ông cho biết sẽ có một dấu chỉ rõ ràng, rằng vào ba đêm tới, Mặt Trăng sẽ bị đắm chìm trong một màu đỏ thẫm như máu người, sau khi sự kiện xảy ra, nhiều thiên tai sẽ giáng xuống người dân của đảo.

    Trăng máu xuất hiện

    Vào buổi tối ngày ‘định mệnh’, khi Mặt Trời lặn đi ở hướng tây, màn đêm dần bao trùm trời đất. Mặt Trăng đang mọc dần lên từ chân trời hướng đông và ai nấy cũng đều khiếp sợ khi Mặt Trăng được nhuộm một màu đỏ khủng khiếp.

    Theo lời kể của con trai Columbus là Ferdinand, những người Arawak đã vô cùng hoảng sợ trước cảnh tượng này. Họ rầm rú lớn inh ỏi và trở nên hoảng loạn, một số người đã phải chạy đến các con tàu của và lập tức nhượng bộ, đưa ra những điều khoản ưu đãi cho đoàn tàu và nhờ Columbus hãy khấn cầu thần linh tha thứ cho tội lỗi của họ.

    Những người thổ dân Jamaica hoảng loạn cầu xin Columbus biến Mặt Trăng trở lại như cũ khi Nguyệt thực toàn phần diễn ra. Tranh: Camille Flammarion.

    Columbus đồng ý, ông nói rằng cần một không gian riêng tư để cầu nguyện với thần linh. Ông đóng kín cửa tàu và ở bên trong trong suốt 50 phút. Ông đã xem trước thời gian của các pha nguyệt thực nên biết chắc chắn khi nào nguyệt thực sẽ kết thúc. Ông trở ra ngoài và thông báo, Thượng Đế đã tha thứ và Ngài sẽ biến Mặt Trăng trở lại bình thường.

    Ngay sau đó, đúng như lời của Columbus nói, Mặt Trăng dần dần trở lại màu sắc như bình thường, ánh sáng màu đỏ đã biến mất. Những người Arawak vội vàng bái lạy để cảm tạ rồi liền rời đi khỏi khu vực neo tàu.

    Đoàn thủy thủ và Columbus được những thổ dân tiếp đãi vô cùng nồng hậu cho tới khi tàu cứu nạn của ông từ Hispaniola đến vào ngày 29 tháng 6 năm 1504. Columbus cùng đoàn của mình đã trở lại Tây Ban Nha vào ngày 7 tháng 11 cùng năm.