“Địa cầu là một thứ mong manh và thậm chí nó có thể tự hủy hoại chính mình, anh chị em là những người có cơ hội chiêm ngắm hành tinh này từ đôi mắt của Thiên Chúa,” Đức Giáo Hoàng bắt đầu buổi trò chuyện vào hôm thứ năm vừa qua từ Tòa Thánh.
Nhờ vào công nghệ, giờ đây lời nói của Đức Thánh Cha đã có thể truyền phát đến ‘thiên đường’ trong cuộc gọi video kéo dài 20 phút với sáu phi hành gia. Ông nói về những câu hỏi lớn trong cuộc đời, về ý kiến của họ với tình yêu, về nguồn vui trong cuộc sống cũng như cách mà không gian không trọng lực đã thay đổi cái nhìn của họ về thế giới như thế nào.
Phi hành gia Randy Bresnik người Mỹ thưa với Đức Giáo Hoàng rằng, ông nhìn thấy một thế giới không có biên giới hay những xung đột của con người khi đứng từ trên cao như thế. “Điều con lấy làm vui sướng là được nhìn tạo tác của Thiên Chúa mỗi ngày, dù chỉ là một thứ rất nhỏ trong vũ trụ của Ngài,” phi hành gia Bresnik nói.
“Hãy tránh xa chiến tranh và xung đột, nạn đói và sự ô nhiễm sẽ được lùi xa, tương lai của nhân loại sẽ bắt đầu tốt hơn từ lúc đó.” Sau khi nghe Bresnik nói như vậy, Đức Giáo Hoàng cho biết “đã hiểu được rằng địa cầu là một thứ quá mong manh và dễ chừng sẽ biến mất trong một khoảnh khắc.”
Phi hành gia Paolo Nespoli người Ý, chia sẻ dù được ngắm nhìn Trái Đất bằng cặp mắt của ‘loài chim’ bay trên cao, nhưng ông vẫn “không khỏi choáng ngợp” khi được nhìn nó lại vào mỗi ngày. Phi hành gia Mark Vande Hei người Mỹ thì tự nhận ra “con thật nhỏ bé biết dường nào” khi quan sát hành tinh của mình.
Sergey Ryazansky người Nga, cho biết ông rất vinh dự khi được tiếp bước ông nội mình để nối nghiệp không gian. Ông của ông là một kỹ sư đã góp phần tạo nên sự thành công của Sputnik, vệ tinh nhân tạo đầu tiên của nhân loại được Liên Xô phóng lên vào năm 1957.
“Anh chị em thân mến, các bạn là những người đại diện cho đại gia đình là cả nhân loại này trong một dự án nghiên cứu vĩ đại trên Trạm Không gian Quốc tế,” Đức Thánh Cha cho biết trong một bài đăng chia sẻ trên Instagram.
Trạm Không gian Quốc tế là một phòng thí nghiệm khổng lồ bay quanh Trái Đất ở quỹ đạo, nó liên tục có phi hành gia sinh sống và nghiên cứu từ năm 2000 cho đến nay. Trước Đức Giáo Hoàng Francis, người tiền nhiệm của ông là Đức Giáo Hoàng Benedict XVI cũng đã gọi lên ISS vào năm 2011.