Thế hệ tên lửa mới
Được thiết kế để trở thành tên lửa đẩy mạnh mẽ nhất thế giới kể từ tên lửa Saturn V của NASA, tên lửa Falcon Heavy đã cất cánh từ bãi phóng 39A ở Trung tâm Không gian Kennedy – cùng một địa điểm từng phóng lên các sứ mệnh Apollo của NASA và những chiếc tàu con thoi – vào 3 giờ 45 phút sáng ngày 7 tháng 2 năm 2018 (giờ Việt Nam).
Với chiều cao ngang một tòa nhà 23 tầng, tên lửa Falcon Heavy là cỗ máy lớn nhất hiện nay của SpaceX. Tầng đầu tiên của nó được đẩy lên bằng ba tên lửa đẩy giống tên lửa Falcon 9 với 27 động cơ đẩy bên trong (ba động cơ đẩy cho một tên lửa đẩy), được khởi động cùng một lúc để tạo ra một lực đẩy 22.819 kilonewton cho việc cất cánh.
Theo kế hoạch ban đầu, cả ba tên lửa đẩy này sẽ quay trở về sau khi đạt độ cao nhất định và hạ cánh an toàn theo phương thẳng đứng, nhưng hơi tiếc nuối khi tên lửa đẩy nằm giữa đã không làm được điều này, vậy là chỉ có hai tên lửa đẩy còn lại đổ bộ trở lại mặt đất thành công.
Tên lửa mang theo một khối lượng đến 64.000 kg lên quỹ đạo. Con số này lớn gấp hai lần so với đối thủ của họ, là tên lửa Delta IV Heavy được phát triển bởi United Launch Alliance. “Đây chỉ là một chuyến bay thử nghiệm. Sau khi thành công, tôi nghĩ đã sẵn sàng để đưa những vệ tinh lên quỹ đạo trong chuyến bay tới, dự kiến trong 6 tháng sau,” Elon Musk, CEO của SpaceX, cho biết.
Tổng thống Donald Trump chia sẻ lên Twitter cá nhân lời chúc mừng thành công của SpaceX. Ngài Tổng thống ca ngợi SpaceX và CEO Elon Musk của công ty và xem đây là một đỉnh cao của người Mỹ.
“Chúc mừng @ElonMusk và @SpaceX với thành công của buổi phóng #FalconHeavy. Thành tựu này, cùng các đối tác thương mại và quốc tế của NASA, sẽ tiếp tục cho thấy sự tài tình tột đỉnh của người Mỹ!” ông Trump cho biết trong dòng tweet. Trả lời lại lời chúc mừng của Tổng thống, tỷ phú Elon Musk cho biết trong dòng tweet: “Thay mặt SpaceX xin cảm ơn. Một tương lai đầy hứng khởi đang chờ đón phía trước!”
Chuyến bay lịch sử
Chuyến bay của hỏa tiễn Falcon Heavy thật sự là một trong những chuyến bay được mong chờ nhất trong suốt nhiều năm qua. Ước tính có khoảng 100.000 người tham gia theo dõi trực tiếp từ Space Coast, tiểu bang Florida. Trong số những người này, có sự xuất hiện của phi hành gia Buzz Aldrin trong sứ mệnh Apollo 11 lịch sử, đã đặt chân lên Mặt Trăng vào năm 1969.
Một phần quyến rũ nhất trong hết thảy sự hấp dẫn của sứ mệnh, đó chính là thế hệ tên lửa mới. Falcon Heavy là tên lửa đầu tiên của thế hệ tên lửa này, nó thật to khỏe nhưng dùng xong có thể tái sử dụng được cho các lần sau.
Hai tên lửa đẩy nằm hai bên ở tầng đầu tiên của tên lửa chính đã cho bay trước đây. Một lần vào buổi phóng vệ tinh viễn thông Thaicom 8 vào tháng 5 năm 2016, và lần khác là đưa tàu chở hàng Dragon lên Trạm Không gian Quốc tế (ISS) cho NASA vào tháng 7 sau đó. Tên lửa đẩy ở giữa được sử dụng lần đầu vào hôm nay, cho Falcon Heavy.
Theo kế hoạch cho buổi phóng tên lửa đầy mê hoặc này, cả ba tên lửa đẩy sẽ quay trở lại Trái Đất giống như điều đã trông thấy ở tên lửa Falcon 9 trước đây. Hai tên lửa đẩy nằm phía ngoài đã đáp xuống an toàn đúng với địa điểm đã định trước ở Trạm Không quân Mũi Canaveral, tên lửa đẩy còn lại sẽ hạ xuống một bãi đáp gọi là “Of Course I Still Love You” trên con tàu thủy không người lái ở giữa Đại Tây Dương.
Elon Musk cho biết, cuối cùng khi tên lửa đẩy trung tâm đang lao xuống với tốc độ 321 km/giờ thì có một số động cơ bên trong không hoạt động khiến việc hạ cánh không được như mong muốn. Tên lửa đẩy thứ ba này đâm sầm xuống và làm hỏng chiếc tàu thủy.
SpaceX đã phóng thành công gia đình tên lửa Falcon trong 24 lần, và đến 3 lần chỉ trong sứ mệnh này. Loạt tên lửa này được đặt tên là Falcon theo con tàu vũ trụ có thể tái sử dụng là Millennium Falcon trong Star Wars.
Ấn tượng là thế, nhưng bạn chắc sẽ ngạc nhiên hơn khi biết được rằng buổi phóng hôm nay của Falcon Heavy mang theo một đồ vật chưa từng có trước đây: một chiếc xe mui trần của hãng Tesla, được đặt cẩn thận tại tầng thứ hai của tên lửa.
Mang xe hơi lên không gian
CEO Musk đã loan báo vào tháng 12 vừa rồi, rằng chiếc xe mui trần màu “đào đỏ nở đêm” sẽ là thứ hàng hóa được mang lên đầu tiên trên tên lửa Falcon Heavy. Rồi một lần nữa vào thứ hai tuần rồi, ông cho biết sẽ đặt một hình nộm người mặc đồ bảo hộ không gian vào ghế xe, tay phải cầm vô lăng còn tay trái gác lên cửa xe thật ngầu.
28 phút sau khi buổi phóng được bắt đầu, tầng tên lửa thứ hai mang theo chiếc xe mui trần tắt động cơ và kết thúc giai đoạn chính của buổi phóng. Nếu mọi thứ suôn sẻ, 6 tiếng sau tầng thứ hai này sẽ chạm đến Vành đai bức xạ Van Allen của Trái Đất – một khu vực có bức xạ cực kỳ cao bao quanh Trái Đất ở từ quyển, rồi khởi động lại động cơ và thẳng tiến đến Sao Hỏa.
Kế hoạch trước mắt sẽ là đưa chiếc mui trần đến quỹ đạo quanh Mặt Trời ở khoảng cách 400 triệu km so với Trái Đất. “Về cơ bản quỹ đạo này sẽ đưa nó đến Sao Hỏa, nhưng cơ hội để đến được hành tinh đỏ là rất thấp,” ông Musk cho biết.
Có ba máy ảnh gắn trên chiếc xe và nó sẽ chụp được những khoảnh khắc tuyệt vời trên đường đi. “Tôi không lo lắng về chiếc xe lắm, nó sẽ ổn thôi,” Musk chia sẻ.
Tương lai của SpaceX
Khi Elon Musk lần đầu giới thiệu Falcon Heavy vào tháng 4 năm 2011, ông đã dự đoán chuyến bay đầu tiên của nó sẽ diễn ra vào năm 2013. Nhưng năm đó đã đến rồi đi, cùng thêm nhiều năm sau đó nữa, SpaceX vẫn tiếp tục phát triển hệ thống tên lửa đẩy hạng nặng có thể tái sử dụng này. Musk ước tính SpaceX đã đầu tư khoảng 500 triệu dollar chỉ để phát triển dòng tên lửa mới này.
Giờ đây, khi chuyến bay đã được thực hiện, SpaceX đã sẵn sàng tiến tới tương lai với công việc phóng vệ tinh thương mại. Hai sứ mệnh đã được lên lịch cho năm 2018 này: phóng vệ tinh viễn thông Arabsat 6A và sứ mệnh Space Test Program 2 cho Không quân Hoa Kỳ, cũng như một sứ mệnh dự kiến về Mặt Trời cho The Planetary Society.
Sức mạnh khủng khiếp của Falcon Heavy cùng khả năng tái sử dụng của nó, là một bước đại nhảy vọt của SpaceX. “Đây là một cột mốc quan trọng trong ngành động cơ đẩy hạng nặng. Buổi phóng thành công hôm nay đã mở ra một tương lai tiềm năng cho những sứ mệnh thương mại bay vào không gian sâu hơn nữa,” biên tập viên Scott Hubbard của tạp chí New Space và là Giáo sư ngành Hàng không vũ trụ tại Đại học Stanford, cho biết.
SpaceX lên kế hoạch định giá 90 triệu USD cho mỗi chuyến bay (một tên lửa đẩy đơn của Falcon 9 đã có giá 62 triệu USD cho mỗi chuyến bay). Bằng cách tái sử dụng các tên lửa đẩy, công ty này hy vọng sẽ làm giảm thiểu được chi phí cho những sứ mệnh không gian.
Falcon Heavy là một phần trong hàng loạt các dự án đầy tham vọng trong tương lai của SpaceX, công ty này còn cung cấp dịch vụ chở hàng trên tàu Dragon của họ cho NASA. Dự kiến cuối năm nay sẽ có chuyến bay có người lái đầu tiên trên tàu chở hàng Dragon lên ISS.
Trong một diễn biến khác, SpaceX đang phát triển hệ thống tên lửa đẩy còn mạnh mẽ hơn rất nhiều lần so với Falcon Heavy, được gọi là BFR (hay Big Falcon Rocket). Tên lửa đẩy này được thiết kế để đưa hàng trăm người vào không gian chơi, tầm nhìn đến tương lai xa sẽ phát triển loại hình du lịch không gian.
Cảm nghĩ về BFR, khi đến bãi phóng của Falcon Heavy trước giờ G, tỷ phú Musk chợt nói: “Nhìn vào Falcon Heavy, tôi tự nghĩ, trông nó hơi nhỏ.”