Month: October 2017

  • Giáo Hoàng Francis nói chuyện với 6 phi hành gia trên ISS

    Giáo Hoàng Francis nói chuyện với 6 phi hành gia trên ISS

    Đức Giáo Hoàng Francis đang trò chuyện với các phi hành gia trong sứ mệnh Expedition 53 trên Trạm Không gian Quốc tế. Hình ảnh: AFP.

    “Địa cầu là một thứ mong manh và thậm chí nó có thể tự hủy hoại chính mình, anh chị em là những người có cơ hội chiêm ngắm hành tinh này từ đôi mắt của Thiên Chúa,” Đức Giáo Hoàng bắt đầu buổi trò chuyện vào hôm thứ năm vừa qua từ Tòa Thánh.

    Nhờ vào công nghệ, giờ đây lời nói của Đức Thánh Cha đã có thể truyền phát đến ‘thiên đường’ trong cuộc gọi video kéo dài 20 phút với sáu phi hành gia. Ông nói về những câu hỏi lớn trong cuộc đời, về ý kiến của họ với tình yêu, về nguồn vui trong cuộc sống cũng như cách mà không gian không trọng lực đã thay đổi cái nhìn của họ về thế giới như thế nào.

    Phi hành gia Randy Bresnik người Mỹ thưa với Đức Giáo Hoàng rằng, ông nhìn thấy một thế giới không có biên giới hay những xung đột của con người khi đứng từ trên cao như thế. “Điều con lấy làm vui sướng là được nhìn tạo tác của Thiên Chúa mỗi ngày, dù chỉ là một thứ rất nhỏ trong vũ trụ của Ngài,” phi hành gia Bresnik nói.

    “Hãy tránh xa chiến tranh và xung đột, nạn đói và sự ô nhiễm sẽ được lùi xa, tương lai của nhân loại sẽ bắt đầu tốt hơn từ lúc đó.” Sau khi nghe Bresnik nói như vậy, Đức Giáo Hoàng cho biết “đã hiểu được rằng địa cầu là một thứ quá mong manh và dễ chừng sẽ biến mất trong một khoảnh khắc.”

    Phi hành gia Paolo Nespoli người Ý, chia sẻ dù được ngắm nhìn Trái Đất bằng cặp mắt của ‘loài chim’ bay trên cao, nhưng ông vẫn “không khỏi choáng ngợp” khi được nhìn nó lại vào mỗi ngày. Phi hành gia Mark Vande Hei người Mỹ thì tự nhận ra “con thật nhỏ bé biết dường nào” khi quan sát hành tinh của mình.

    Sergey Ryazansky người Nga, cho biết ông rất vinh dự khi được tiếp bước ông nội mình để nối nghiệp không gian. Ông của ông là một kỹ sư đã góp phần tạo nên sự thành công của Sputnik, vệ tinh nhân tạo đầu tiên của nhân loại được Liên Xô phóng lên vào năm 1957.

    “Anh chị em thân mến, các bạn là những người đại diện cho đại gia đình là cả nhân loại này trong một dự án nghiên cứu vĩ đại trên Trạm Không gian Quốc tế,” tài khoản Instagram của Đức Giáo Hoàng đăng hình ảnh kèm dòng chú thích.

    “Anh chị em thân mến, các bạn là những người đại diện cho đại gia đình là cả nhân loại này trong một dự án nghiên cứu vĩ đại trên Trạm Không gian Quốc tế,” Đức Thánh Cha cho biết trong một bài đăng chia sẻ trên Instagram.

    Trạm Không gian Quốc tế là một phòng thí nghiệm khổng lồ bay quanh Trái Đất ở quỹ đạo, nó liên tục có phi hành gia sinh sống và nghiên cứu từ năm 2000 cho đến nay. Trước Đức Giáo Hoàng Francis, người tiền nhiệm của ông là Đức Giáo Hoàng Benedict XVI cũng đã gọi lên ISS vào năm 2011.

  • Phát hiện ngoại hành tinh vừa có tuyết rơi, vừa có nắng cháy

    Phát hiện ngoại hành tinh vừa có tuyết rơi, vừa có nắng cháy

    Từ trái qua: Ngoại hành tinh Kepler-13Ab với quỹ đạo rất gần ngôi sao chủ Kepler-13A của nó, bên cạnh đó là hệ sao đôi: sao lùn cam Kepler-13C và ngôi sao Kepler-13B. Đồ họa: NASAESA, G. Bacon (STScI).

    Kính Viễn vọng Không gian Hubble của NASA vừa quan sát được ngoại hành tinh Kepler-13Ab với nhiều điều kiện khắc nghiệt. Hành tinh này nằm quá gần ngôi sao chủ – sao Kepler-13A – khiến nhiệt độ ban ngày của nó lên đến 2.760 độ C. Trong khi đó, ban đêm có tuyết rơi.

    Ngoại hành tinh Kepler-13Ab là một hành tinh bị khóa thủy triều với ngôi sao chủ, nghĩa là một nửa của nó sẽ luôn hướng về ngôi sao Kepler-13, trong khi nửa còn lại sẽ đắm chìm trong màn đêm vĩnh cữu.

    Phần bán cầu ban đêm có nhiệt độ không cao như phần còn lại, không những vậy, ở đây mưa rơi liên tục và rất nhiều. Mưa ở bán cầu ban đêm không phải mưa nước như ở Trái Đất, mà chúng là hỗn hợp chất lỏng giống như kem chống nắng chúng ta dùng.

    Những cơn mưa kem chống nắng (oxide titan) luôn rơi dày như những cơn bão tuyết. Các nhà thiên văn không quan sát được trực tiếp những cơn mưa này, mà họ sử dụng kính Hubble để xác định rằng nhiệt độ khí quyển ngày càng thấp hơn ở những vùng có vĩ độ cao hơn, trái ngược với lẽ thường.

    Đây là một trong những ngoại hành tinh nóng nhất từng được phát hiện, những ngoại hành tinh kiểu này được gọi là “Sao Mộc nóng”. Các hành tinh loại này phải có một lớp khí tương tự oxide titan để hấp thụ ánh sáng và làm nóng, riêng Kepler-13Ab thì không có.

    Nếu oxide titan có mặt ở bán cầu ban ngày, nó sẽ hấp thụ ánh sáng và khiến không khí ở đây nóng lên. Oxide titan chỉ có mặt ở bán cầu ban đêm, những cơn gió lạnh khiến chúng ngưng tụ tạo thành các đám mây, và kết tủa tạo ra một thứ như tuyết, đổ liên tục xuống bên dưới.

    Trọng lực ở hành tinh này cao hơn gấp 6 lần so với Sao Mộc, kéo tất cả tuyết oxide titan xuống hạ tầng khí quyển, không cho chúng bốc hơi lên cao và vì thế chúng không có cơ hội được thoát ra phía bên kia của hành tinh.

    So sánh tương quan kích thước của ngoại hành tinh Kepler-13Ab với năm hành tinh trong Hệ Mặt Trời. Đồ họa: NASAESA, and A. Feild (STScI). Hình ảnh: NASA.

    Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện thấy một hành tinh kỳ lạ với quá trình kết tủa như thế này, họ gọi đây là “cái bẫy lạnh” trên ngoại hành tinh. Quan sát này cho các nhà khoa học cái nhìn rõ hơn về sự phức tạp của thời tiết trên các hành tinh xa xôi.

    “Bằng nhiều cách khác nhau, những nghiên cứu về khí quyển của các hành tinh giống Sao Mộc sẽ được sử dụng trong tương lai để nghiên cứu về khí quyển của các hành tinh giống Trái Đất,” nhà nghiên cứu Thomas Beatty ở Đại học Pennsylvania cho biết.

    “Các hành tinh giống Sao Mộc thể hiện rõ đặc tính về thời tiết của mình và ta có thể quan sát được dễ dàng, trong khi các hành tinh giống Trái Đất thì không. Do đó, hiểu được thời tiết ở các hành tinh lớn, ta sẽ biết được thêm nhiều điều về thời tiết ở các hành tinh nhỏ.”

    Nhóm nghiên cứu của ông Beatty đã chọn Kepler-13Ab để quan sát vì đây là một ngoại hành tinh rất nóng. Các quan sát trong quá khứ về những ‘Sao Mộc nóng’ cũng cho thấy sự gia tăng nhiệt độ rất khủng khiếp của chúng. Những hành tinh khí trong Hệ Mặt Trời của chúng ta cũng có hiện tượng tương tự như vậy.

    Qua quan sát này, các nhà nghiên cứu khẳng định, những cơn mưa như vậy có thể cũng đã xảy ra ở các ngoại hành tinh khí khổng lồ khác. “Nhưng ở hành tinh này, do trọng lực quá lớn khiến ‘tuyết’ bị giữ lại. Ở các hành tinh khác, những đám mây mưa dễ dàng bay sang bán cầu ban ngày và tan biến thành thể khí,” ông cho biết thêm.

    Nghiên cứu này được quan sát qua Máy ảnh Trường nhìn rộng 3 của Hubble với ánh sáng cận hồng ngoại. Quan sát được thực hiện khi ngoại hành tinh xa xôi đi về phía sau của ngôi sao chủ, được gọi là phương pháp tinh thực thứ cấp (secondary eclipse). Phương pháp này cho các nhà khoa học thông tin về nhiệt độ và thành phần trong khí quyển của bán cầu ban ngày của ngoại hành tinh.

    “Những quan sát của Kepler-13Ab giúp chúng ta hiểu thêm được về các ‘Sao Mộc nóng’ và cách những đám mây được tạo thành trong khí quyển của chúng, cũng như sự ảnh hưởng của trọng lực đến thành phần của khí quyển. Nhìn vào những hành tinh thế này, bạn sẽ kinh ngạc vì độ nóng của nó, và hơn nữa là trọng lực của chúng,” Beatty giải thích.

    Nghiên cứu được đăng tải trên The Astronomical Journal.

  • Quả cầu kỳ lạ phát sáng rực rỡ trên bầu trời Siberia, Nga

    Quả cầu kỳ lạ phát sáng rực rỡ trên bầu trời Siberia, Nga

    Quả cầu khổng lồ phát sáng rực rỡ trên bầu trời vùng Siberia của Nga. Hình ảnh: Alexey Yakovlev.

    Khi tận mắt chứng kiến một vật thể lạ kỳ trên bầu trời, thật khó tránh được những câu hỏi hoang mang, rằng đó có phải là sự xâm chiếm của người ngoài hành tinh hay không. Nhưng thật may, vật thể đó đã được xác định.

    Đó là cuộc phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tạo ra một quả cầu lớn tỏa sáng cả bầu trời từ phía tây của nước Nga sang vùng viễn đông của Nga, hay cả vùng Siberia.

    Theo thông tin từ Điện Kremlin, đích thân Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh bắn bốn quả tên lửa đạn đạo Satan 2 Topol-M trong cùng ngày hôm đó.

    Hầu hết những buổi phóng tên lửa vào ban đêm đều tạo ra cảnh tượng đẹp mắt trên bầu trời. Khi tên lửa được phóng lên không trung, các phản ứng trong bầu khí quyển sẽ tạo ra những vật thể có ánh sáng kỳ lạ. Gần đây nhất, buổi phóng tên lửa Atlas V hồi năm 2015 cũng như vậy.

    Quả cầu kỳ lạ tỏa sáng cùng ánh sáng cực quang ở sau những ngọn cây. Hình ảnh: Sergey Anisimov.

    Vào thời điểm quả cầu này xuất hiện, trên bầu trời cũng xuất hiện hiện tượng cực quang vì nơi này nằm trong vòng cực bắc với thời tiết lạnh.

    Các nhiếp ảnh gia ở Nga đã kịp thời chụp cho mình những khoảnh khắc đẹp mắt về sự kiện hiếm gặp này. Mạng xã hội VK của Nga đã có một đêm sôi nổi với rất nhiều chủ đề bàn tán và nhiều hình ảnh đẹp được chia sẻ.

    Nhiếp ảnh gia Alexey Yakovlev đã có một bộ ảnh rất đẹp tại thị trấn Plesetsk, một nơi gần chỗ phóng tên lửa. Hình ảnh của ông còn có sự tham gia của các dải sáng cực quang đẹp mắt.

    “Có lẽ tôi đã vô tình chụp ảnh được một buổi phóng tên lửa bí mật, ảnh này tôi chụp ở Plesetsk,” ông Alexey Yakovlev chia sẻ ở trang cá nhân của mình trên VK.

    “Tôi đứng ngơ người ra vài phút vì không biết đó là thứ gì. Quả cầu sáng rực từ phía sau những ngọn cây và đi về hướng của tôi, nó di chuyển rất nhanh và tôi đã kịp thời chụp được hình ảnh trước khi hiểu được đó là gì,” nhiếp ảnh gia Sergey Anisimov sống tại Salekhard chia sẻ.

    Bản đồ cho thấy vị trí phóng tên lửa là từ Plesetsk và vị trí đích đến là Kura ở bờ biển Thái Bình Dương của Nga. Hình ảnh: Google Maps/The Siberian Times.

    Rất nhiều người tại các nơi khác nhau trên khắp nước Nga đều được chiêm ngưỡng tận mắt ‘màn phóng tên lửa’ đầy ấn tượng này. Bộ Quốc phòng Nga xác nhận đó là những tên lửa hạt nhân chiến lược của Nga.

  • Lần đầu tiên xác định một thiên thể đến từ bên ngoài Hệ Mặt Trời

    Lần đầu tiên xác định một thiên thể đến từ bên ngoài Hệ Mặt Trời

    Vị trí của A/2017 U1 vào ngày 25/10 sau khi nó cắt ngang mặt phẳng hoàng đạo và đạt điểm cận nhật vào tháng 9 vừ qua. Hình ảnh: NASA/JPL.

    Suốt hàng chục năm qua, các nhà quan sát bầu trời vẫn liên tục tìm ra được hàng ngàn thiên thể mới nhưng tất cả chúng đều có xuất phát điểm là đâu đó trong Hệ Mặt Trời. Các thiên thể dù là xa xôi nhất cũng nằm ở Vành đai Kuiper hoặc xa hơn là Đám mây Oort, nơi ranh giới của Thái Dương Hệ.

    Nhưng thiên thể A/2017 U1 mới được xác định là một thứ vô cùng mới lạ, nó có quỹ đạo cực kỳ rộng lớn, quỹ đạo hình hyperbol của nó dường như không bị ràng buộc bởi Mặt Trời. Theo những dữ liệu ban đầu quan sát được của Trung tâm Tiểu hành tinh của Hiệp hội Thiên văn Quốc tế, thì rất có khả năng đó là một thiên thể ‘trốn thoát’ khỏi một ngôi sao khác.

    “Chúng tôi chờ đợi điều này từ hàng thập niên qua. Luôn có những giả thuyết về thiên thể này, những tiểu hành tinh hay sao chổi thuộc về một hệ hành tinh khác, rồi vì một lý do nào đó mà rời khỏi hệ cũ mà lang thang vào bên trong Hệ Mặt Trời của chúng ta,” ông Paul Chodas từ Trung tâm Nghiên cứu những Thiên thể gần Trái Đất của NASA, cho biết.

    Khi A/2017 U1 được phát hiện lần đầu tiên, các nhà khoa học cho rằng đó là một sao chổi nên nó được định danh ban đầu là C/2017 U1 (C là comet, sao chổi). Nhưng những quan sát tiếp sau đó không cho thấy nó có những đám bụi khí bao xung quanh, nên nó được đổi định danh thành A là asteroid, tiểu hành tinh.

    Hình ảnh A/2017 U1 được chụp bởi Đài quan sát Tenagra ở Rio Rico, Arizona vào ngày 21 tháng 10 vừa qua. Tổng thời gian chụp là 9 phút, mỗi khung ảnh rộng 3 phút cung trên bầu trời. Hình ảnh: Paulo Holvorcem & Michael Schwartz.

    Dựa trên những quan sát ban đầu, các nhà khoa học cho biết thiên thể này lớn không quá 400 mét, bắt đầu xuất hiện trên trên bầu trời tại khu vực thuộc chòm sao Lyra, di chuyển trong không gian với tốc độ lên đến 92.000 cây số mỗi giờ.

    Quỹ đạo của A/2017 U1 gần như vuông góc với mặt phẳng hoàng đạo – mặt phẳng mà đồng phẳng với quỹ đạo của Trái Đất và các hành tinh trong Hệ Mặt Trời. Thiên thể đi cắt ngang mặt phẳng này vào ngày 2 tháng 9 vừa qua ở khu vực bên trong quỹ đạo của Sao Thủy.

    Một tuần sau đó, ngày 9 tháng 9, thiên thể này cách Mặt Trời là 37,6 triệu km và đạt điểm cận nhật – điểm gần Mặt Trời nhất. Với độ sáng biểu kiến cấp 20, rất mờ nhạt nhưng các nhà thiên văn vẫn quan sát được và ước tính nó rộng khoảng 160 mét với độ phản chiếu ánh sáng Mặt Trời là 10%.

    A/2017 U1 đến gần Trái Đất nhất vào ngày 14 tháng 10, ở khoảng cách 24 triệu km – gấp 60 lần khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trăng. Thiên thể hiện nay đang ở bên trên mặt phẳng hoàng đạo và di chuyển theo hướng rời khỏi Hệ Mặt Trời với tốc độ lên đến 156.400 km/giờ, hướng về chòm sao Pegasus.

    Mặc dù những quan sát ban đầu đều cho thấy nó là một thiên thể đến từ không gian liên sao, nhưng vẫn cần thêm rất nhiều dữ liệu và bằng chứng khác để xác nhận chính xác điều này. Các nhà thiên văn đang tranh thủ quan sát và nghiên cứu A/2017 U1 bằng nhiều kính thiên văn tân tiến trước khi nó đi xa và biến mất khỏi tầm nhìn của chúng ta mãi mãi.